AICA Đồng Nai - Doanh nghiệp dẫn đầu trong một số lĩnh vực của ngành Chất kết dính tại Việt Nam

Thị trường xuất khẩu gỗ xuất hiện nhiều tín hiệu phục hồi

Đến thời điểm này, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã có tín hiệu phục hồi, yếu tố thị trường đang là sự ưu tiên số 1 của ngành gỗ hiện nay.

Đây là thông tin được ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đưa ra tại Hội nghị “Giao ban ngành chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2023" diễn ra chiều 9/8, tại Bình Dương.

5 thị trường xuất khẩu chính của gỗ Việt ở đâu?

Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) giá trị xuất khẩu lâm sản 7 tháng năm 2023 ước đạt 7,78 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,21 tỷ USD, giảm 26,2%; lâm sản ngoài gỗ 580 triệu USD, giảm 15,4%.

Doanh nghiệp tham gia gian hàng tại “Hội chợ máy móc và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương 2023”

Thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chính của lâm sản sản Việt Nam. Tổng giá trị xuất khẩu sang 5 thị trường này trong 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,44 tỷ USD, chiếm 89% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, trong đó: Hoa Kỳ 3,1 tỷ USD, giảm 39,8%, Nhật Bản 834,3 triệu USD, giảm 4,8%, Trung Quốc 701,1 triệu USD, giảm 26,3%, EU (cả Anh) 425,5, giảm 33,7%, Hàn Quốc 410,3 triệu USD, giảm 24,9%.

Ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm 2023 có mức giảm mạnh là do lạm phát tăng cao (trên 8%) tại một số quốc gia xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, nên Chính phủ ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm chế biến từ gỗ.

Giá dăm gỗ đã giảm từ 195 USD/tấn năm 2022 xuống còn 135 USD/tấn trong 7 tháng đầu năm 2023; giá viên nén gỗ giảm mạnh từ 180 USD/tấn năm 2022 xuống còn 100 USD/tấn trong 7 tháng đầu năm 2023.

Xung đột địa chính trị (Nga - Ukraina) tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp như: Chi phí logistics, giá gỗ nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào đều tăng.

Chính sách bảo hộ của các quốc gia tiếp tục được phát huy nhằm bảo hộ cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; do vậy, ảnh hưởng tới việc thương mại hóa sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Phòng vệ thương mại giữa các quốc gia có nhiều diễn biến phức tạp. Ngành gỗ đối mặt với các vụ kiện về thương mại, điển hình là các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá ván dán, tủ bếp và bàn trang điểm của Hoa Kỳ.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của khối doanh nghiệp trong nước và FDI đều giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Chủ trương của Chính phủ là giảm lãi suất cho doanh nghiệp và giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tuy nhiên cho tới nay các ngân hàng thương mại chưa thực hiện đầy đủ chủ trương này. Các doanh nghiệp chưa nhận được thông báo giảm lãi cho các khoản vay cũ, chủ yếu chỉ áp dụng cho các khoản vay mới.

“Về hạn mức tín dụng, tùy uy tín và đơn hàng của doanh nghiệp mà ngân hàng có hạn mức tín dụng khác nhau, tuy nhiên ngân hàng chỉ áp dụng cho vay khi có đơn hàng và đánh giá rủi ro đối với đơn hàng này”, ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ.

Về hoàn thuế giá trị gia tăng, đến nay kết quả hoàn thuế bị chậm của các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Hiện việc khai thác, buôn bán, vận chuyển gỗ trong nước được thực hiện theo Thông tư 26/TT-BNNPTNT, tuy nhiên tới thời điểm này khi các doanh nghiệp xuất khẩu yêu cầu xác minh nguồn gốc gỗ theo quy định vẫn gặp khó khăn, khi chỉ xác minh được bảng kê của sản phẩm chứ không xác minh tới người trồng rừng, gây khó khăn trong quá trình xin Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) khi xuất khẩu.

Một số tỉnh/thành áp dụng xác minh bảng kê lâm sản qua cổng dịch vụ công quốc gia, điều này không khả thi khi người trồng rừng ở các vùng sâu xa, không thể cập nhật các công nghệ…

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp thị sản phẩm gỗ Việt

Bên cạnh những khó khăn khách quan và chủ quan, ông Đỗ Xuân Lập cho hay, hiện đã có tín hiệu phục hồi kinh tế ở các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam như tại thị trường Mỹ.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố tăng trưởng GDP (số liệu điều chỉnh lần thứ 3) là 2%, tăng từ mức 1,3% công bố đợt tháng 5 và cao hơn 0,3% so với dự báo của các cơ quan phân tích, dữ liệu mới đã góp phần khiến bức tranh kinh tế của Mỹ giai đoạn đầu năm trở nên khả quan hơn.

Đồng thời, giữa tháng 7 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố quyết định sơ bộ quyết định điều tra chống bán phá giá, chống chợ cấp đối với sản phẩm gỗ dán cứng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Do vậy, dự báo khả năng mặt hàng này xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng trở lại. Yếu tố về thị trường đang là sự quan tâm của ngành gỗ lúc này.

Tại Hội nghị, ông Đỗ Xuân Lập cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổ chức đàm phán để thống nhất quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của các thị trường nhập khẩu. Đây là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển gỗ rừng trồng bền vững. Đồng thời, cần thí điểm mô hình phát triển doanh nghiệp theo hướng kinh tế xanh, trong đó hướng tới cam kết Net Zero trong ngành gỗ.

Liên quan đến hoạt động mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, ông Đỗ Xuân Lập đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành chỉ đạo các cơ quan ngoại giao tại nước ngoài tăng cường hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.

Cụ thể, quảng bá, giới thiệu thông tin về những nỗ lực của Việt Nam trong việc cam kết, thực hiện chính sách bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường trong sử dụng nguyên liệu và sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu.

Quảng bá giới thiệu, tiếp thị những sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam đến các thị trường, trong đó chú trọng đối với các thị trường tiềm năng mà người tiêu dùng còn thiếu thông tin về sản phẩm gỗ của Việt Nam, thông qua các cuộc họp, hội nghị, hội thảo quốc tế.

Tổ chức hướng dẫn, kết nối để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước được tham gia các hiệp hội ngành hàng ở những quốc gia nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Hỗ trợ cho các doanh nghiệp với kinh phí cụ thể tham gia các hội chợ quốc tế, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp mở cửa hàng, công ty ở các thị trường lớn bằng các giải pháp cụ thể trong thủ tục hành chính, tiền tệ liên quan đến đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng và trong việc xác minh, truy xuất nguồn gỗ rừng trồng trong nước.

Giảm và đi đến hạn chế nhập khẩu gỗ rừng tự nhiên không có chứng chỉ, đặc biệt là những vùng địa lý nhiều rủi ro.

Nguồn: Nguyễn Hạnh - Công Thương